Dưỡng Chân Tập

Dưỡng Chân Tập

QUÁN THÔNG TAM GIÁO CỦA BẠCH-TẪN LÃO-NHÂN
(Ảnh: Youtobe Tự Học Kinh Dịch)
Thông Huyền lý (lý đạo Tiên) mà chẳng thông Thiền (đạo Phật), thế nào cũng mắc bịnh chấp nê. Thông Thiền lý mà chẳng thông Nho (đạo Thánh), chắc sẽ thành ra phe cuồn huệ.
Học Thiền, Nho thông rồi, mà lại mượn lý Đạo để rõ thông thêm nữa, chẳng những đời nay hiếm người, mà xưa kia trong hàng tăng nhân, đạo sĩ, trừ xứ Tử Dương, Liên Trì ra, thường không đặng mấy kẻ!
Năm Bính Ngũ, nhằm mùa hạ, một bữa kia, tình cờ tôi đến thư phòng của bạn tôi là Triệu Công, thấy trên bàn có một cuốn Dưỡng Chân tập. Hỏi ra cuốn sách này tự đâu mà có, thì mới biết rõ bạn tôi thỉnh nó tại chùa Huệ Phước, ở Hải Điền. Ông sư trong chùa này lại nhờ Trần Đề Đài trao cho. Đề Đài lại thỉnh của thầy dạy học trong nhà mình.
Tôi bèn mượn sách ấy đem về xem mới biết là của một người ẩn sĩ hiệu là Dưỡng Chân tử soạn ra. Tiếc vì trong đó không nói rõ họ tên, nhưng đoán là người trong nhóm Xích Tùng tử, Hoàng Thạch công thì chắc là không sai.
Cuốn sách này do nghiệp Nho, mà hiểu phép Thiền, lấy hư linh mà dưỡng Xá lợi; do phép Thiền mà chứng đại Đạo, mượn bát nhã để luyện Kim đơn. Bàn về bên "không", thì đều là chân truyền theo "cầm bông", "vẽ vách" (1); luận đến lẽ Đạo, thì không có giá tá thuộc diên cọp, hống rồng (2). Chỗ khoái vui của Khổng, Nhan (3), thì nhẹ tay mà vẽ bày; còn phần tân truyền (1) của Liêm, Lạc(2), lại tùy bút mà phát lộ. Hợp ba giáo đem về một mối, dẹp hết bạch mã, thanh ngưu, là điều huyễn tưởng; quy trăm nhà dẫn lại một đường, lậu tiết thiên tâm, thủy diện (3), là chỗ tinh vi. Chẳng xây lầu các ở giữa không trung, mỗi bước có nấc thang; tạo thành cầu kỳ trong nơi huyễn hải, mọi nơi vạch đường vạch lộ.
Nạp tử (người mặc áo bá nạp, là chỉ tăng lữ) mới chiều nếm vị (nếm mùi đạo đức), chẳng cần mười quyển Lăng Nghiêm; Vũ khách (khách mặc áo lông, là chỉ đạo sĩ) đi đứng noi theo, nào dụng năm ngàn Đạo Đức (cuốn Đạo Đức kinh có năm ngàn chữ). Cưỡi ngựa ra đi, viếng ít nhiều chốn mây nước ba ngàn nơi; quay đầu trở lại, mới ngồi yên trong động tiên mười hai cảnh.
Nhân thấy quyển sách báu lạ, hiếm có, tôi bèn quên hẳn sự quê dốt của mình, thêm chút ý ngu, đưa ra khắc bản, ngõ hầu sắp tới ai muốn tầm lý chân, chẳng cần tới quán Bạch Vân; mà cũng từ đây, kẻ mong tầm đạo chánh, khỏi phải vào lầu Hoàng Hạc. Mò châu lượm ngọc, toàn mong nơi mắt sáng bậc cao minh; thoát xác phi thăng, ngõ đáp tấc lòng lành người tác giả.
Ôi! Kiền khôn lớn thế này, phải có khách tri âm; còn thế giới rộng dường kia, há không người kiến tính.
Vừa chấm bút đã suốt mấy lời, ấy vô tâm mà thành bài tựa.
Hiệu Càn Long, năm Đinh Mùi, thượng nguyên, ngày hoa đăng.
Bạch Tẫn lão nhân, tên tộc là Vương Sĩ Đoan, đề tựa này ở Bồng hồ (4) tại trần thế (chót núi Hiểu Phong).

(Bản dịch của Ngài Nguyễn Minh Thiện)

Download ebook tại đây

Bạn có thể thích những bài đăng này